PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI TÍCH BẰNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN TẠI CÁC TRƯỜNG HỌC
Thực hiện chương trình phối hợp số 419/CTPH-SVHTTDL-SGD&ĐT ngày 24/02/2022 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa để học sinh, sinh viên đến Bảo tàng, Di tích tham quan và tìm hiểu di sản văn hóa, giai đoạn 2022-2025; Vừa qua, Bảo tàng tỉnh và Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố Đồng Xoài tổ chức tuyên truyền di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng tại các trường trung học cơ sở học trên địa bàn.
Đợt trưng bày đã thu hút gần 4.000 lượt giáo viên và học sinh tham quan, học tập. Đây là hoạt động thiết thực giúp giáo viên và các em học sinh bổ sung kiến thức về lịch sử – văn hóa địa phương, khơi dậy, củng cố, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói chung và di sản văn hóa Bình Phước nói riêng.
Tại trường Trung học cơ sở Tân Thành, giờ ra chơi thât đặc biệt, các em học sinh hào hứng tham quan, trải nghiệm. Thầy Lê Văn châu – Giáo viên nhà trường cho biết: “Đối với các em học sinh, hoạt động trưng bày rất hay và ý nghĩa, tôi dành hết thời gian tiết văn của các lớp cho các em tham quan, học tập. Sau khi tham quan, các em thực hành làm bài thực tế môn văn để mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng hành văn”.
Tham quan trưng bày, em Võ Lê Minh Ngọc, học sinh lớp 95 – Trường THCS Tân Đồng cho biết: Em biết cũng khá nhiều di tích của Bình Phước, nhưng không ngờ có nhiều di tích đẹp và độc đáo đến vậy, khi biết đến các di tích khảo cổ em rất bất ngờ, vì là lần đầu tiên thấy. Khi xem đến các di tích, giúp em hiểu hơn về các di tích lịch sử, em cảm thấy bản thân cần phải nỗ lực hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa, để xứng đáng với những gì mà cha ông đã cống hiến cho lịch sử của tỉnh mình.
Còn với em Lê Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 9 – Trường THCS Tiến Thành cũng như bao các bạn trong lớp, khi xem các di tích trên địa bàn tỉnh mình, bản thân em được biết thêm về các di tích, giúp em trau dồi kiến thức lịch sử của địa phương, điều quan trọng hơn là em rất muốn đến các di tích để được cảm nhận, để mắt thấy tai nghe về các di tích.
Được biết, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 42 di tích được xếp hạng, gồm: 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh với các loại hình: Di tích lịch sử, khảo cổ, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh; có 45 di tích có giá trị được đưa vào danh mục kiểm kê. Các di tích trên địa bàn tỉnh đã trở thành địa chỉ đỏ, hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập. Bên cạnh các công việc chuyên môn như Lập hồ sơ khoa học, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, thì công tác trưng bày tại các trường học là công việc xuyên suốt của Bảo tàng tỉnh. Qua công tác trưng bày là dịp để đội ngũ giáo viên, học sinh các trường học tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu; giúp cho học sinh mở rộng khả năng tiếp cận với di tích, đưa các em về với cội nguồn dân tộc, ôn lại những giá trị truyền thống của quê hương đất nước, khích lệ các em tích cực học tập rèn luyện kế tục truyền thống mà ông cha ta đã để lại.
Bài, ảnh: Bích Quý – Chu Thủy