Di tích quốc gia đặc biệt: Vườn Quốc gia Cát Tiên
Di tích Vườn Quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên được thành lập vào tháng 02/1998. Hiện nay, Vườn có diện tích khu vực trung tâm là 71.920 ha, tọa lạc trên địa bàn của 3 tỉnh, trong đó: 39.627ha thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, 27.850ha thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng và 4.443ha thuộc địa phận tỉnh Bình Phước.
Những dấu tích về địa chất, địa mạo đã minh chứng Vườn Quốc gia Cát Tiên có quá trình biến đổi từ hàng triệu năm trước. Vườn có hệ sinh thái đa dạng, bao gồm: Rừng thường xanh ẩm, đồng cỏ và đất ngập nước. Trong đó, đất ngập nước nội địa ven sông là một loại đất ngập nước rất độc đáo của Việt Nam và thế giới. Bao quanh đất ngập nước là rừng tự nhiên có độ che phủ lên tới 80%. Vườn có nhiều địa điểm cảnh quan đẹp như thác Trời, thác Bến Cự, thác Dựng, thác Mỏ Vẹt, thác Nơkrót… Một trong số những hệ sinh thái nổi bật ở đây là hệ thống sông và các bàu. Sông Đồng Nai có diện tích lưu vực là 40.800 km2, đoạn chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên dài khoảng 90km. Suối Đắc Lua dài khoảng 20 km, chứa nước từ các bàu và chảy ra sông. Bàu Sấu là bàu lớn nhất, có diện tích mặt nước là 92,63 ha, là nơi sinh sống của hàng trăm loài động, thực vật, trong đó có loài cá Sấu Xiêm và cá lăng nổi tiếng. Bàu Cá là hồ nước tự nhiên, có diện tích mặt nước 74,3ha… Vườn Quốc gia Cát Tiên có hệ động, thực vật đa dạng, phong phú về thành phần loài với 1.610 loài thực vật và 1.529 loài động vật, có nhiều loài quý hiếm có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen trên toàn thế giới. Trong đó, 31 loài thực vật và 84 loài động vật có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 50 loài chim được ưu tiên bảo vệ ở mức độ toàn cầu và được ghi vào Sách Đỏ IUCN năm 2008.
Trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên và vùng phụ cận đã phát hiện được nhiều di chỉ, di tích khảo cổ. Từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học, bước đầu có thể khẳng định trong khu vực này đã tồn tại một nền văn hóa hưng thịnh từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VII sau công nguyên. Bộ ngẫu tượng Linga và Yoni khai quật ở di khỉ khảo cổ Cát Tiên (thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng) có kích thước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, trong lịch sử, khu vực Cát Tiên cũng là địa bàn sinh sống của nhiều tộc người bản địa, với truyền thống văn hóa đa dạng, đặc trưng…Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây cũng từng là căn cứ địa, chiến khu đóng vai trò rất quan trọng.
Những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ trên là cơ sở cho việc bảo tồn thiên nhiên và khai thác các giá trị cảnh quan để phát triển du lịch, phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, đặc biệt là trong hoạt động nghiên cứu của học sinh, sinh viên, các nhà khoa học Việt Nam và thế giới. Vườn Quốc gia Cát Tiên đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001; Hệ đất ngập nước bàu Sấu được ghi tên vào danh sách Ramsar năm 2005. Ngày 27/9/2012, Vườn Quốc gia Cát Tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn tổng hợp