Di tích cấp tỉnh: Thành đất hình tròn Long Hưng

Di tích cấp tỉnh: Thành đất hình tròn Long Hưng

Di tích Thành đất hình tròn Long Hưng tọa lạc tại ấp Phước Tân, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.

Di tích Thành đất hình tròn Long Hưng có diện tích 102540.9m2, được phát hiện năm 2012, đào thám sát tháng 8/2017, gồm năm hố, mỗi hố có diện tích 2m2, thu được 7.064 mảnh gốm, 333 hiện vật đá. Qua đợt khảo sát và đào thám sát khảo cổ học ở Thành đất hình tròn Long Hưng có thể xác định được đây là di tích cư trú có phòng thủ của nhóm cư dân cổ thuộc thời kì tiền sử, có niên đại khoảng 4000 – 3000 năm cách ngày nay, là một công trình được xây dựng bằng đôi bàn tay của con người với công cụ hết sức thô sơ, phản ánh nỗ lực rất lớn của cộng đồng người tiền sử trong việc thích ứng với môi trường sống trong một khu vực bạt ngàn rừng già của triền đất đỏ Nam Trường Sơn.

Di tích Thành đất hình tròn Long Hưng còn khá nguyên vẹn với cấu trúc gồm: vòng thành ngoài, hào, vòng thành trong, vùng trung tâm và hai lối ra vào. Vòng thành cao hơn hào khoảng 4 – 6m, còn tương đối nguyên vẹn. Hào nằm giữa bờ thành ngoài và bờ thành trong, hào rộng và còn khá sâu. Khu vực trung tâm thành trũng nhẹ dạng lòng chảo. Hai lối ra vào đối xứng nhau theo hướng Tây Bắc và Đông Nam, khoảng cách hai cửa là 272m, ngay lối ra vào có một ụ đất nằm giữa chia tách thành hai lối, từ ngoài nhìn vào giống như vành móng ngựa, phía Đông Nam di tích, gần nơi lối ra vào có một vùng đất tương đối bằng phẳng, chiếm khoảng 1/3 đường kính.

Di tích Thành đất hình tròn Long Hưng vẫn còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá, là một điều thú vị để cho những nhà nghiên cứu và nhân dân đến tham quan, tìm hiểu.

Di tích Thành đất hình tròn Long Hưng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng di tích khảo cổ cấp tỉnh ngày 16/11/2017.

Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn tổng hợp

Print Friendly, PDF & Email