Tìm hiểu văn hóa – lịch sử qua từng hiện vật
Bảo tàng là nơi lưu giữ các giá trị di sản văn hóa – lịch sử của dân tộc, địa phương; là nơi “kể” câu chuyện của tỉnh, thành đó theo biên niên. Tham quan trưng bày bảo tàng, du khách sẽ có cái nhìn tổng thể về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của vùng đất đó.
Những năm qua, công tác sưu tầm, trưng bày của Bảo tàng tỉnh đạt nhiều kết quả, góp phần nâng cao nhận thức văn hóa – lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân và thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch. Sự tĩnh lặng, bình dị trong mỗi hiện vật góp phần níu chân du khách khi đến nơi đây.
Nỗ lực nối dài danh sách hiện vật
Bảo tàng Bình Phước hiện có gần 1.500 hiện vật. Đây là số hiện vật được sưu tầm, hiến tặng có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, gồm cả tài nguyên thiên nhiên, văn hóa các dân tộc, lịch sử cách mạng… Mỗi hiện vật có lời giới thiệu ở nhiều cấp độ khác nhau, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của mỗi đối tượng khách tham quan, đảm bảo sự logic và gần gũi với công chúng, qua đó thu hút đông người dân đến tham quan, tìm hiểu. Anh Trần Mạnh Tâm ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương cho biết: “Trong chuyến thăm người thân ở Bình Phước, tôi đưa gia đình đến Bảo tàng Bình Phước tham quan. Việc trưng bày hiện vật, tranh ảnh ở đây khá phong phú, giúp người tham quan nắm bắt dễ dàng”.
Với hơn 1.000 hiện vật, tranh ảnh được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Phước phần nào đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách – Ảnh: Trương Hiện
Hoạt động của bảo tàng có nhiều khâu, gồm: nghiên cứu chủ đề, đi thực địa, sưu tầm, bảo quản… Để mỗi hiện vật sưu tầm được trở thành hiện vật trưng bày tại bảo tàng, người phụ trách phải lập hồ sơ pháp lý và hồ sơ khoa học bám sát quy chế, quy định của Nhà nước và quy định của bảo tàng, đưa hiện vật về kho đảm bảo thông tin. Chị Trần Thị Hà, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh bày tỏ: “Tôi cảm thấy rất may mắn được truyền tải những thông tin mình tích góp được đến với nhiều người, cũng như những kiến thức về văn hóa của địa phương đến với nhân dân”.
Để những hiện vật, kỷ vật thiêng liêng, vô giá sống mãi với thời gian không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự của những người thực hiện nhiệm vụ. Họ gìn giữ, bảo quản từng hiện vật, đảm bảo khi tiếp cận, mọi người cảm nhận được hiện vật đó mang đậm dấu ấn lịch sử, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, về phát triển kinh tế, lao động, sản xuất, đời sống tinh thần của nhân dân. Chị Nguyễn Anh Đào ở phường Thác Mơ, TX. Phước Long chia sẻ: “Tôi đưa con đến Bảo tàng tỉnh để tham quan, tìm hiểu về những hiện vật. Qua đó giúp các con hiểu thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc của địa phương nơi mình sinh sống”.
Mỗi hiện vật là một câu chuyện
Mỗi hiện vật ở Bảo tàng tỉnh là một câu chuyện. Chị Tô Thị Huê, Phó trưởng phòng Trưng bày và Khai thác di sản, Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Từ khâu chuẩn bị đến khi đi sưu tầm và đưa hiện vật vào kho, thuyết minh là quy trình khá thầm lặng và khắt khe. Đây là sự nỗ lực chung để khách tham quan có cái nhìn tổng quan nhất, giá trị nhất về văn hóa, con người Bình Phước.
Bảo tàng Bình Phước thu hút nhiều đoàn học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu về lịch sử dân tộc – Ảnh: Trương Hiện
Ngoài những hiện vật, hình ảnh trưng bày cố định, mỗi năm Bảo tàng tỉnh đều có khoảng 100 hiện vật được bổ sung. Để có được số lượng hiện vật đa dạng, phản ánh sinh động về đời sống lịch sử, văn hóa của đất và người Bình Phước, ngoài thường xuyên đi về các địa phương khảo sát thực địa, sưu tầm, cán bộ Bảo tàng tỉnh còn phải đến từng nhà vận động người dân đóng góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Các hiện vật sau sưu tầm sẽ được phân loại, làm hồ sơ thủ tục thẩm định. Trên cơ sở đầy đủ tính pháp lý và khoa học, các hiện vật mới sẽ được nhập kho và trưng bày phục vụ công chúng.
Mỗi tài liệu, hiện vật đều tiềm ẩn giá trị lịch sử, văn hóa nên việc khai thác những giá trị bên trong làm nổi bật nét văn hóa đậm tính lịch sử là rất cần thiết. Sự nỗ lực của những người sưu tầm, cũng như được nhân dân hiến tặng hằng năm đã góp phần nối dài danh sách hiện vật của tỉnh, cùng với đó Bảo tàng tỉnh cũng đa dạng hình thức trưng bày giới thiệu hiện vật, hình ảnh, đưa bảo tàng trở thành điểm đến của nhân dân và du khách tham quan.
“Trong mỗi hiện vật sẽ có bộ hồ sơ như giấy khai sinh của 1 con người, có lý lịch, bảng ghi chép, các biên bản, các hồ sơ và địa phương chứng nhận, sau đó mới đưa về bảo tàng. Khi đưa về bảo tàng thì tiếp tục xử lý, hoàn thiện hồ sơ, sau đó ra hội đồng đánh giá, xác định. Cũng có những hiện vật mặc dù người dân đã hiến tặng nhưng lại không đảm bảo được yếu tố kỹ thuật, mỹ thuật và bảo quản thì bắt buộc phải dừng lại”. |
Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh PHẠM HỮU HIẾN |