Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên

Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên

Di tích Bãi Tiên tọa lạc tại ấp 2, xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Bãi Tiên là một di tích khảo cổ độc đáo và có giá trị, được các nhà khoa học phát hiện vào cuối năm 2007 trong đợt khảo sát giữa Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ – Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ và Bảo tàng tỉnh Bình Phước. Bãi Tiên còn được đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây thường gọi là mộ ông Rlem. Tên gọi này xuất hiện trong truyền thuyết về ông Rlem gắn với lễ hội phá bàu của đồng bào S’tiêng tại khu vực này, truyền thuyết kể rằng: trước đây, khu vực Bãi Tiên rất đẹp, có bàu nước, bãi đá và đặc biệt có những cây đa rất to lớn với những cành vươn xa đến vài chục mét. Ông Rlem là người khỏe mạnh, thân hình cao lớn, ông có công khai phá, dẫn dắt đồng bào về khai hoang, sinh sống tại khu vực này nên rất được kính trọng. Vào mùa khô, theo văn hóa truyền thống, đồng bào S’tiêng tổ chức lễ hội phá bàu bắt cá. Người dân tộc S’tiêng sử dụng công cụ bắt cá bằng vật dụng tự đan lát, thiết kế như nơm, xúc cá, giỏ đựng cá… sau khi bắt cá sẽ nướng và ăn uống, vui chơi ngay tại khu vực bàu nước. Năm nhiều cá, có thể dựng lán để bắt cá trong nhiều ngày. Ông Rlem sau khi ăn trưa, uống rượu, ông ngồi tựa lưng vào cây Tăm Đa (theo tiếng đồng bào S’tiêng) đây là cây thần, rất cao lớn. Sau khi tựa lưng vào cây Tăm Đa, ông Rlem thấy toàn thân ngứa ngáy, ông liền vung chà gạt chặt cây và chặt đôi các vật dụng như tố, ché, gùi, đồ xúc cá… Vào đúng lúc này từ chân trời mây đen kéo đến kèm theo sự lạnh giá khủng khiếp, trời đất tối sầm. Dân làng thấy vậy hoảng hốt bỏ chạy, những người không chạy kịp và vật dụng mang theo đều bị hóa đá. Người và vật dụng bị hóa đá chính là những tảng đá nhiều hình dạng còn nằm lại tại Bãi Tiên cho đến ngày nay.

Di tích là một bãi đá ong nằm trên một triền đồi thấp, với các tảng đá ong có kích thước khác nhau phân bố trên diện tích khoảng 01 ha, chính giữa của bãi đá là cụm đá ong được xếp thành vòng tròn, bên trong vòng tròn đá ong là một vòng đá ong xếp theo hình vuông. Sau khi di tích được phát hiện các nghiên cứu bước đầu cho thấy đây là công trình có sự sắp đặt của bàn tay con người, là loại hình di tích khá đặc biệt, lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện.

Di tích Bãi Tiên là một di chỉ lạ, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị khoa học, yếu tố lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh liên quan đến văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc S’tiêng sinh sống trong khu vực huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

Di tích Bãi Tiên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước quyết định xếp hạng là di tích khảo cổ cấp tỉnh ngày 29/6/2018.

Phòng Nghiệp vụ Bảo tồn tổng hợp

Print Friendly, PDF & Email

Tin cùng liên quan

Tin mới hơn

Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên
Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên

Tin cũ hơn

Ngày 13/01/2022 08:30 Di tích cấp tỉnh: Bãi Tiên