Trong quá trình định làng, lập ấp của người Việt trên vùng đất Bình Phước vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, những ngôi đình thần cũng nhanh chóng hình thành. Bên cạnh những giá trị tín ngưỡng truyền thống, các đình thần trên địa bàn tỉnh Bình Phước còn mang bản sắc riêng vừa thể hiện ước mơ, khát vọng của lưu dân thời mở cõi, vừa là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền.
Theo khảo sát, đánh giá của Bảo tàng tỉnh, Bình Phước có số lượng đình thần không nhiều như các tỉnh Nam Bộ khác, nhưng lại mang đầy đủ giá trị của đình làng Nam Bộ nói riêng và đình làng Việt Nam nói chung. Các đình thần được hình thành chủ yếu trên trục đường Quốc lộ 13 ngày nay, đây là trục chính của quá trình di cư của các cư dân người Việt từ các vùng Gia Định, Thủ Dầu Một…lên vùng đất Bình Phước khai hoang, lập ấp. Trong đó, có 04 đình thần đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, đó là: Đình thần Hưng Long, Đình thần Tân Khai, Đình thần Thanh An và Đình thần Tân Lập Phú.
Năm 2019, Bảo tàng tỉnh Bình Phước biên soạn và xuất bản 500 cuốn sách “DI TÍCH ĐÌNH THẦN TỈNH BÌNH PHƯỚC” dày 91 trang, khổ 15x20cm. Cuốn sách được biên soạn trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu hồ sơ khoa học cấp tỉnh của các đình thần do Bảo tàng tỉnh thực hiện. Ngoài phần giới thiệu và phụ lục, cuốn sách được trình bày thành 3 chương:
Chương 1. Tổng quan về tỉnh Bình Phước. Giới thiệu điều kiện tự nhiên, xã hội; lịch sử hình thành; đặc điểm dân cư, đặc trưng văn hóa của các dân tộc; lịch sử đấu tranh cách mạng.
Chương 2. Lịch sử hình thành và phát triển đình thần tỉnh Bình Phước. Phần này nội dung đi sâu giới thiệu lịch sử hình thành phát triển đình làng Việt Nam và đình thần tỉnh Bình Phước.
Chương 3. Di tích đình thần tỉnh Bình phước. Chương này giới thiệu về lịch sử hình thành, kiến trúc, lễ hội của 04 đình thần: Đình thần Hưng Long, Đình thần Tân Khai, Đình thần Thanh An và Đình thần Tân Lập Phú.
Toàn bộ nội dung cuốn sách “DI TÍCH ĐÌNH THẦN TỈNH BÌNH PHƯỚC” cung cấp đến quý bạn đọc một góc nhìn khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của các di tích đình thần trên địa bàn tỉnh Bình Phước, cũng như những nét kiến trúc – nghệ thuật, các nghi thức, lễ hội và giá trị của đình thần trong đời sống xã hội tỉnh Bình Phước ngày nay.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Huyền