Theo số liệu thống kê của chi cục thống kê tỉnh Bình Phước năm 2019, dân số đồng bào Stiêng là 96.649 người. Họ sống tập trung tại huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Bình Long, Phước Long, Đồng Phú, trong đó, đông nhất là các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Hớn Quản. Ngôn ngữ của tộc người S’tiêng thuộc ngữ hệ Môn – Khmer, họ Nam Á.
Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng người Stiêng chia có nhiều nhóm như: Bù Lơ, Bù Dek, Bù Biêk, Bù Lập, Bù Ác, Hạ Bạn. Ngày nay, đa số đều chỉ gọi người S’tiêng với 2 nhóm chính: Bù Đek – sinh sống ở vùng thấp còn nhóm Bù Lơ – sinh sống ở vùng cao.
Nghề đan lát là một nghề có từ lâu đời của người S’tiêng ở Bình Phước, cho đến nay, chưa ai biết nghề này xuất hiện từ bao giờ. Đây cũng là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Những sản phẩm của nghề đan lát không chỉ có giá trị sử dụng mà còn chứa đựng các thành tố văn hóa có giá trị tiêu biểu của cộng đồng cư dân này.
Đan lát là nghề chủ yếu do người đàn ông đan nhưng thỉnh thoảng cũng có người phụ nữ học để đan và họ truyền lại cho các thế hệ sau “như cha truyền cho con, ông truyền cho cháu” bằng cách chỉ trực tiếp. Nghệ nhân thực hiện nghề đan lát trong thời gian nhàn rỗi, nông nhàn, hoặc do những người lớn tuổi, sức yếu không thể đi làm những việc nặng nhọc, hoặc không thể đi xa.
Nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm đan lát trước đây chủ yếu từ tự nhiên như: cây tre, dây mây, dây rừng,…Việc lựa chọn nguyên liệu để thực hành nghề đan lát cũng có những cách thức cần lưu ý, phù hợp mục đích chế tác sản phẩm chẳng hạn: để đan gùi, họ phải chọn những cây có đoạn ống đủ dài để đan được chiếc gùi có độ lớn theo yêu cầu của họ; hoặc chọn cây mây rừng thì phải chọn loại nào để có thể đạt được độ dẻo, độ bền. Tất cả nguyên liệu được khai thác từ tự nhiên, sau đó tiến hành xử lý các bước như làm sạch vỏ ngoài, chẻ sợi, phơi khô.
Sản phẩm đan lát khá đa dạng về loại hình cũng như công dụng có thể để sử dụng trong gia đình như: nong, nia, rổ, đồ xúc cá, ống trúm lươn, giỏ đựng cá, gùi…Trong đó, có những sản phẩm được đan với kỹ thuật có độ khó rất cao, thể hiện sự tinh xảo, khéo léo, cho thấy sự độc đáo riêng có của người S’tiêng. Chẳng hạn như chiếc Nia hình trái tim, các loại gùi,… Điều đặc biệt trong nghề đan lát của người S’tiêng Bình Phước là một số sản phẩm có trang trí hoa văn, trong đó, chủ yếu là sản phẩm gùi. Hoa văn được trang trí ở các vị trí như: 1/3 phần trên ngoài thân gùi – từ miệng xuống, hoặc 1/3 bên ngoài thân gùi – từ đáy lên. Motuyp trang trí chủ yếu là các hoa văn hình sóng nước, hoa văn hình lưỡi liềm,… Để có những hoa văn trên sản phẩm, người đan sẽ tiến hành nhuộm nguyên liệu đan. Cách nhuộm là họ lấy các loại lá cây rừng để tạo màu nhuộm. Trước đây, người S’tiêng chỉ nhuộm màu đen, ngày nay họ sử dụng màu công nghiệp và nhuộm nhiều màu khác nhau.
Nghề đan lát của người S’tiêng là một trong những nghề rất phổ biến trong cộng đồng, hầu như gia đình nào cũng sử dụng các sản phẩm đan lát. Vì vậy, rất nhiều người biết thực hành nghề thủ công truyền thống này. Người mới biết đan hoặc có kỹ thuật chưa cao thì đan những sản phẩm đơn giản, người có tay nghề lâu năm, có kỹ thuật cao thì đan những sản phẩm có độ khó cao, có giá trị thẩm mỹ và dĩ nhiên giá trị sử dụng cũng rất cao. Chẳng hạn như chiếc Nia hình trái tim, một số loại gùi. Trong thực tế, trước đây đã có những nơi có nhiều người đan lát như xã Lộc Hòa huyện Lộc Ninh, các xã An Khương và Thanh An huyện Hớn Quản, các xã Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Đa Kia huyện Bù Gia Mập; các xã Bình Minh, Đoàn Kết, Thống Nhất, Phước Sơn huyện Bù Đăng; xã Thanh Phú thị xã Bình Long,… Ngày nay, một số nơi vẫn còn người duy trì nghề đan như ông Điểu Côi ở xã Lộc An huyện Lộc Ninh, ông Điểu Tót ở xã Bình Minh huyện Bù Đăng,…
Sản phẩm từ nghề đan lát của người S’tiêng trước đây chủ yếu để sử dụng trong các hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt hằng ngày. Việc trao đổi mang tính thương mại chỉ thực hiện bằng hình thức trao đổi vật dụng với nhau. Người có thổ cẩm nếu cần gùi thì mang thổ cẩm đổi gùi, hoặc mang các sản phẩm nông nghiệp để đổi với những quy ước giá trị phù hợp. Đặc biệt, trong các nghi lễ, một sản phẩm của nghề đan lát được sử dụng để làm vật lễ tặng, đó là chiếc gùi.
Chức năng của sản phẩm từ nghề đan lát của người S’tiêng mang tính phổ biến, tùy vào chức năng của sản phẩm, họ sử dụng trong quá trình lao động, sản xuất của cộng đồng. Đặc biệt, trong các sản phẩm đó có sản phẩm gùi được cho là sản phẩm đa chức năng. Người S’tiêng vừa dùng gùi để làm chức năng chứa đựng, vừa làm chức năng vận chuyển. Các sản phẩm người dân khai thác được đều được chứa đựng sau đó được người dân vận chuyển về nhà để sử dụng. Gùi cũng là một trong những sản phẩm đặc biệt, gắn bó mật thiết như “vật không rời” của người S’tiêng. Bất kì đi đâu, làm gì, người S’tiêng đều mang trên người chiếc gùi ở sau lưng.
Cũng như các loại hình di sản văn hóa khác, nghề thủ công truyền thống của người S’tiêng cũng đã chịu những tác động của quá trình hội nhập và phát triển. Những tác động đó làm ảnh hưởng đến nghề đan lát ở nhiều góc độ khác nhau. Với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm mới vừa tiện dụng vừa rẻ, người dân tiếp thu và sử dụng các vật dụng đó, dẫn đến nguy cơ mai một nghề đan lát. Về mặt ngược lại, với những thành tựu khoa học kỹ thuật, người dân áp dụng để tạo ra những sản phẩm có độ bền cao hơn, có giá trị thẩm mỹ đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của cộng đồng. Việc trao làm ra cũng không chỉ sử dụng trong gia đình mà còn được trao đổi mua bán thông qua hình thức vật ngang giá chung – tiền. Điều này không chỉ góp phần bảo tồn di sản mà còn giúp cho nghệ nhân thực hành nghề đan lát có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống để duy trì nghề đan.
Tuy nhiên, với những giá trị của di sản văn hóa nghề đan lát, rất cần sự chung tay của các ngành và xã hội để bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống này để phục vụ yêu cầu phát triển của xã hội.
Người S’tiêng đang đan gùi. Ảnh Nho Dương
Lượt xem: 195
File đính kèm: